- Chuyên mục: Hiệu quả đồng vốn
- Lượt xem: 4
- Viết bởi Quản trị Hội Nông dân
Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Hoà Bình là một trong những nguồn tín dụng giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống.
Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 – 2020 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hoà Bình được thành lập theo Quyết định số 1276/QĐ-UBND ngày 17/9/2012 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình, sau 10 năm xây dựng, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh đã tăng gấp 6,5 lần. Nhờ nguồn vốn này, với 697 lượt dự án đã cho vay giúp 7.195 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống. Đến 30/6/2022 tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý đạt 45,286 tỷ đồng, trong đó nguồn ủy thác Trung ương 14,850 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh 12,249 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách huyện 9,980 tỷ đồng, nguồn ủng hộ từ cán bộ, hội viên nông dân 8,207 tỷ đồng; hiện đang cho vay 190 dự án tại 137/151 cơ sở Hội với 1.534 hội viên nông dân vay vốn phát triển kinh tế nâng cao thu nhập thông qua 50 dự án trồng trọt, 128 dự án chăn, nuôi, 09 dự án thủy sản, 03 dự án dịch vụ khác.
Đáp ứng nhu cầu vốn cho hàng nghìn hội viên
Được vay 30 triệu đồng từ Quỹ HTND vào tháng 6/2016, ông Tạ Hữu Hậu - khu 2, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) đã đầu tư cải tạo vườn tạp để trồng hàng trăm gốc bưởi. Hiện nay, cây trồng phát triển, sinh trưởng tốt, hàng năm thu gần 2 tỷ đồng/năm từ 1.200 gốc bưởi da xanh và bưởi Đoan Hùng. Ông Hậu là 1 trong 10 thành viên của dự án được Quỹ HTND cấp tỉnh cho vay 300 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Tạ Hữu Hậu còn giúp đỡ bà con làm giàu bằng chính sức lao động, khối óc và đôi tay trên mảnh đất quê hương. Tại trang trại của gia đình, hàng năm ông tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó ông hết lòng tư vấn cách làm ăn, hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, đồng thời, ông cung ứng phân bón trả chậm, thậm chí hỗ trợ cả vốn và giống nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng. Ông Tạ Hữu Hậu được coi là tấm gương nông dân điển hình của địa phương trong lao động sản xuất, nhiều lần vinh dự được Hội Nông dân các cấp khen thưởng, biểu dương thành tích, vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng giấy chứng nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 – 2018.
Đến thăm mô hình trồng trọt tổng hợp từ nguồn vốn vay QHTND của ông Đỗ Văn Chiến, xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh (TP Hoà Bình) được vay 50 triệu đồng thực hiện Dự án “Trồng và chế biến miến dong” nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trung ương, tổng số tiền thực hiện dự án 400 triệu đồng cho 12 hộ. Ông Chiến chia sẻ: “Dù nguồn vốn không lớn, nhưng quỹ đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện mở rộng quy mô, thành lập cơ sở sản xuất miến dong Chiến Thọ, trung bình mỗi năm, cơ sở chế biến được khoảng 2.000 tấn củ tươi, sản xuất ra từ 110 - 120 tấn thành phẩm. Năm 2019, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa các tiêu chuẩn sản phẩm, miến dong Chiến Thọ được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Được gắn sao OCOP giúp thương hiệu miến dong Chiến Thọ lan tỏa tới người tiêu dùng. Một số thị trường tiêu thụ chính là TP. Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Để phục vụ Tết Nguyên đán, từ tháng 9 công nhân phải làm việc tất bật, trung bình 1 ngày cơ sở sản xuất khoảng 1 tấn miến dong thành phẩm”. Mô hình kinh tế của gia đình ông Chiến đã tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, thu nhập từ 6,5 - 8 triệu đồng/người/tháng; giúp 40 hộ trong xóm bằng hình thức bán phân bón trả chậm từ đầu mùa đến cuối năm thu hoạch mới trả. Ông nhận được nhiều bằng khen của các cấp trong các phong trào thi đua, xứng đáng là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn.
Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần thiết thực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao quy mô sản xuất và thúc đẩy sản xuất theo hướng thị trường. Nhờ đó, thu nhập của nông dân được cải thiện hơn, nâng cao mức sống. Một số mô hình sử dụng vốn cho hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng như: mô hình “Chăn nuôi trâu sinh sản” Thị trấn Ba Hàng Đồi; dự án “Chăn nuôi dê” xã An Bình (Lạc Thuỷ); dự án “Chăm sóc cam, bưởi” xã Thanh Cao (Lương Sơn); dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản” xã Thịnh Minh (thành phố Hòa Bình); dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản” xã Thu Phong (Cao Phong); dự án “Chăn nuôi bò vỗ béo” xã Yên Trị (Yên Thuỷ); dự án “Trồng và chăm sóc Thanh long” xã Đông Lai (Tân Lạc) ….
Mô hình chăn nuôi Đà điều của hội viên nông dân thành phố Hoà Bình
Mô hình chăn nuôi lợn của hội viên nông dân huyện Yên Thuỷ
Nâng cao năng lực quản lý quỹ
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã ban hành các quyết định về Quy chế tổ chức quản lý sử dụng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; Quy chế quản lý, sử dụng phí Quỹ Hỗ trợ nông dân và phí ủy thác các ngân hàng; kiện toàn Ban Kiểm soát Quỹ; kiện toàn Ban điều hành Quỹ; tham mưu bổ sung nguồn cho Quỹ HTND; tổ chức vận động ủng hộ từ cán bộ, hội viên nông dân đóng góp xây dựng ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Gắn với việc cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp đã làm tốt việc hướng dẫn, lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh, xây dựng dự án, thẩm định trước và sau giải ngân, kiểm tra, đôn đốc kịp thời kết hợp với chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cho hội viên được vay vốn. Hàng năm tổ chức trên 20 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý quỹ cho trên 1.100 cán bộ Hội các cấp; tổ chức trên 140 cuộc kiểm tra, giám sát các dự án vay vốn QHTND.
Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Các hội viên nông dân sử dụng vốn vay đều đúng mục đích, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong các hộ tham gia dự án, phát huy hiệu quả đồng vốn, nộp phí và trả gốc đúng hạn. Cán bộ, hội viên, nông dân cũng rất tích cực ủng hộ vốn cho quỹ phát triển, giúp nhiều hội viên nông dân có vốn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Để thực hiện có hiệu quả một trong các mục tiêu về Quỹ HTND trong Đề án số 01-ĐA/TU ngày 06/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia thực hiện hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đặt chỉ tiêu đến năm 2025, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, cấp huyện tăng 2,2 lần và có 100% Hội Nông dân cơ sở có ít nhất 01 dự án vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện tối thiểu 300 triệu/dự án để hỗ trợ hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Để phát triển Quỹ trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, mở rộng quy mô vốn, hỗ trợ có hiệu quả nhu cầu vốn của hội viên. Đặc biệt, Hội sẽ chú trọng công tác quản lý tài chính và công tác kiểm tra, kiểm soát quỹ; thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội trực tiếp tham gia quản lý Quỹ HTND. Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân bằng việc ưu tiên nhân rộng các mô hình liên kết theo hướng chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực tại địa phương; đẩy mạnh các hình thức vận động tạo nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân từ ngân sách, ngoài ngân sách; phối hợp với các ngân hàng, tạo điều kiện cho hội viên nông dân có vốn phát triển sản xuất góp phần tích cực vào việc giảm nghèo bền vững ở địa phương và niềm tin của nông dân đối với tổ chức Hội ngày càng được củng cố, nông dân thấy rõ quyền lợi khi tham gia vào Hội, hội viên tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động ở cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, vai trò vị thế của tổ chức Hội ngày càng được nâng lên.
HÀ ANH